Phân tích chiến lược marketing và kinh doanh của thời trang Gucci

Chiến lược marketing và kinh doanh của thời trang Gucci – Nếu bạn là một người yêu thích thời trang hoặc có quan tâm tới các thương hiệu thời trang nổi tiếng thì chắc hẳn không còn xa lạ với cái tên Gucci. Gucci là tên của một thương hiệu thời trang cao cấp vô cùng nổi tiếng trên toàn thế giới đến từ nước Italia.

Gucci được định vị là sản phẩm cao cấp và phù hợp với giới trung lưu trở lên. Gucci hiện nay đã phổ biến tại rất nhiều quốc gia trên thế giới. Cùng tham khảo chiến lược kinh doanh và marketing của Gucci để xem nó có gì đặc biệt mà chúng ta có thể học tập không nhé.

I. Tổng quan về thương hiệu thời trang Gucci

Gucci là thương hiệu thời trang được thành lập năm 1921 tại Ý bởi Guccio Gucci. Hiện nay, sau hơn 100 năm tồn tại và phát triển thì Gucci đã có hơn 400 cửa hàng trên toàn thế giới và nhiều cửa hàng nhượng quyền khác. Gucci đã tạo dấu ấn mạnh mẽ trong ngành thời trang cao cấp bằng những thiết kế sang trọng với chất lượng tốt nhất.

Gucci nằm trong nhóm thời trang sang trọng toàn cầu được Kering tập hợp cùng các thương hiệu nổi tiếng khác như YSL, Balenciaga, MCQ, Bottega Veneta, Puma,… Hơn nữa, Gucci còn là biểu tượng của những nhân vật tên tuổi lớn trên toàn thế giới ví dụ như Elizabeth Taylor, Jackie Onassis. Đặc biệt hơn sản phẩm giày da cùng chi tiết hàm thiếc ngựa của Gucci còn được đặt trong bảo tàng nghệ thuật ở New York.

chiến lược marketing và kinh doanh của thời trang Gucci

Vì là sản phẩm có thiết kế đẹp, thời thượng nên Gucci nhanh chóng có được nhiều khách hàng nổi tiếng sử dụng, vì thế Gucci đã lọt vào top những nhà tạo mốt hàng đầu trên thế giới. Tuy nhiên Gucci đã có thời gian rất khó khăn khi được Maurizio điều hành, khi ấy Gucci đã được bán cho tập đoàn Investcorp. Ngày nay, Gucci đã thuộc về tập đoàn Kering do tỷ phú Francois Pinault sáng lập. 

II. Phân tích mô hình SWOT của Gucci

1. Phân tích S (Strengths) – Điểm mạnh của Gucci

Nhắc đến Gucci, người tiêu dùng sẽ nhớ đến hình ảnh của một thương hiệu thời trang cao cấp với sự hiện diện trên toàn thế giới. 

Với hệ thống cửa hàng rộng lớn, Gucci thực hiện chặt chẽ công tác kiểm soát kênh phân phối. Đây cũng được xem là một phần trong chiến lược phòng thủ của Gucci để nắm bắt những giá trị gia tăng thay vì bán sản phẩm qua những đơn vị trung gian khác như nhà cung cấp hay nhà bán lẻ.

Ngoài ra, Gucci cũng thực hiện tăng số lượng cửa hàng mà họ trực tiếp quản lý, điều hành. Năm 2003, doanh thu từ các cửa hàng điều hành trực tiếp chiếm 63,1%, so với năm 1999 chỉ đạt 32,5%. 

2. Phân tích W (Weaknesses) – Điểm yếu của Gucci

Điểm yếu của Gucci phải kể đến sự bất ổn trong quản lý cũng như cơ sở tài chính, và xung đột lợi ích trong nội bộ doanh nghiệp. Sự bất ổn trong quản lý đã ảnh hưởng không nhỏ đến chiến lược của công ty, khiến Gucci có thời gian lâm vào tình trạng khó khăn.

Cơ sở tài chính yếu kém suy giảm tỷ suất lợi nhuận cao trong nợ nần. Năm 1998 mức tăng nợ dài hạn 17 triệu $ và đến năm 1999 tăng lên 143 triệu $ và đến năm 2003 thì tăng lên 1,3 tỷ $.

Bên cạnh đó, việc phải đầu tư bảo vệ và duy trì hình ảnh thương hiệu cũng khiến Gucci tiêu tốn một số tiền không hề nhỏ.

3. Phân tích O (Opportunities) – Cơ hội của Gucci

Các thị trường cao cấp đang nổi lên ở các nền kinh tế phát triển mạnh và đông dân như Trung Quốc, Ấn Độ là tiềm năng lớn cho các thương hiệu thời trang cao cấp, trong đó có Gucci.

Việc phát triển các mảng kinh doanh khác nhau của Gucci và tạo ra các sản phẩm trong lĩnh vực thời trang là cơ hội lớn của thương hiệu thời trang nổi tiếng này. 

4. Phân tích T (Threats) – Thách thức của Gucci

Là thương hiệu thời trang cao cấp và xa xỉ, Gucci không nằm ngoài luồng khi phải chịu sự cạnh tranh từ các thương hiệu khác. Chưa kể có những thời điểm các nhãn hàng đồ thể thao như Adidas, Nike còn vượt mặt nhiều tên tuổi như Chanel, Louis Vuitton, Gucci về lượt tìm kiếm và yêu thích trên mạng xã hội. 

Điều đó có thể thấy có những thời điểm các quý cô đã quá mệt mỏi với những món hàng hiệu nhanh chóng lỗi thời mà thay vào đó là các set đồ năng động, khỏe khoắn.

Ngoài ra, một thách thức lớn đối với Gucci đó là các mặt hàng, sản phẩm thường xuyên bị đạo nhái trên thị trường. Do đó, các khách hàng đích thực có thể quay lưng với họ nhằm tránh bị đụng hàng và thể hiện được đẳng cấp mà không phải ai cũng có được.

III. Phân tích chiến lược marketing của Gucci

1. Product

Gucci là thương hiệu thời trang của nước nào? Gồm những sản phẩm nào?

Bắt nguồn từ lối sống xa hoa, phô trương và thú tiêu khiển của giới quý tộc Châu Âu những năm đầu thế kỷ 20 như cưỡi ngựa và du lịch, Gucci đã cho sản xuất những sản phẩm đậm chất thời trang Ý với chất lượng cao cấp, xa xỉ và có giá trị vượt thời gian.

Các dòng sản phẩm chính của Gucci được chia thành nhiều nhánh nhỏ như trang phục, túi xách, phụ kiện thời trang và du lịch, các mặt hàng chất liệu da, nước hoa, đồng hồ, kính mắt, trang sức và mỹ phẩm, cũng như thời trang thú cưng và các mặt hàng Lifestyle cao cấp khác. Tuy nhiên, sản phẩm thời trang nữ và nam vẫn là nhánh chủ đạo của hãng, được thiết kế và sản xuất theo 2 mùa chính trong năm.

Danh mục sản phẩm của Gucci luôn đa dạng, nhưng lại rất hài hòa khi phối hợp cùng nhau, bất kể là thời điểm nào trong năm và bối cảnh sử dụng như thế nào. Là vật dụng riêng biệt, với giá trị sử dụng và công năng khác nhau nhưng bằng một cách tài tình nào đó, chúng lại bổ sung cho nhau và cùng tôn vinh tinh thần thương hiệu. Hầu như không có thương hiệu thời trang nào trên thế giới cạnh tranh nổi với Gucci về tính đồng bộ này.

100 năm nhìn lại, thành công của Gucci được thể hiện qua sự bền vững trong triết lý thương hiệu với định vị là nhóm khách hàng thượng lưu, giữ gìn tính di sản của thương hiệu cũng như tôn vinh các giá trị kinh điển của nghề thủ công địa phương. Giá trị cao cấp “Made in Italy” của Gucci gắn liền với trách nhiệm xã hội mạnh mẽ, đảm bảo 100% sản phẩm đều được sản xuất tại các xưởng ở Florence, đáp ứng công việc cho hơn 45.000 nhân công.

Di sản thủ công được truyền qua nhiều thế hệ gia đình nghệ nhân vùng Tuscan, trở thành niềm tự hào của Gucci, và là nhân tố quan trọng quyết định sự thành công của ngành công nghiệp thời trang cao cấp Italy.

2. Price

Ngày từ những ngày đầu, Guccio Gucci là một thiên tài chuyên về đồ da, chỉ sử dụng những thợ thủ công lành nghề và chuyên nghiệp nhất để phục vụ tầng lớp khách hàng thượng lưu. Phương châm và đồng thời cũng là triết lý kinh doanh của Gucci: muốn bán được sản phẩm với giá cao thì mỗi sản phẩm đều phải là một tác phẩm nghệ thuật. 

Cũng như bao thương hiệu trong phân khúc xa xỉ khác, Gucci định giá sản phẩm không chỉ dựa trên giá trị chức năng và giá trị cảm xúc, mà còn bao gồm cả giá trị sang trọng (Added Luxury Value – AVL). Đối tượng khách hàng mà Gucci nhắm đến là những người không coi trọng tiện ích của vật dụng bằng cảm giác được sở hữu thương hiệu.

Họ là những người có nhu cầu mà khi sử dụng một sản phẩm, đồng nghĩa với việc họ đang khoác lên mình giá trị thương hiệu – giá trị khẳng định đẳng cấp xã hội, sự thành đạt, sự tự tin và đôi khi cả là sự hào nhoáng. 

3. Place

Theo báo cáo công bố từ Kering vào tháng 2/2015, Gucci hiện nay sở hữu 505 cửa hàng hoạt động trực tiếp trên toàn cầu và hơn 4000 sản phẩm hiển thị trực tuyến, đáp ứng những thị trường như Thụy Điển, Đan Mạch, Na Uy và Phần Lan.

Về cơ bản, các cửa hàng của Gucci được đặt tại những vị trí nổi bật trên những khu phố đắt tiền nhất. Nội thất bên trong được trang hoàng theo phong cách cổ điển, độc đáo về mặt thị giác nhằm tôn vinh các sản phẩm thời trang và mang lại một không gian sang trọng cho khách hàng. Đội ngũ nhân viên được tuyển chọn và đào tạo nghiêm ngặt nhằm truyền tải đúng tinh thần Italy của thương hiệu: xa xỉ, độc quyền nhưng không kém phần gần gũi.

Để kiểm soát và đảm bảo về mặt hình ảnh, Gucci thường xuyên trực tiếp tham gia vào việc khai trương và vận hành các cửa hàng. Mỗi khi thâm nhập vào thị trường mới, Gucci rất khéo léo trong việc hài hòa giữa tinh thần đặc trưng của thương hiệu, và bản sắc văn hóa của vùng đất địa phương nơi đó.

Từ thị trường châu Âu cổ điển cho đến vùng đất Á Đông tươi trẻ và sôi động, với những cửa hàng tại Trung Quốc, Tokyo hay Seoul, nhà mốt từ nước Ý luôn tìm cách bày tỏ lòng tôn kính với tinh hoa văn hóa truyền thống của người dân bản địa.

Ý tưởng giao thoa của Gucci đã mang đến cho khách hàng những trải nghiệm độc nhất, nơi mà truyền thống xen lẫn với hơi thở hiện đại, nơi mà di sản văn hóa địa phương gặp gỡ chủ nghĩa chiết trung hiện đại và thanh lịch, tất cả đã tạo nên những không gian ấn tượng cho ngôi nhà thời trang Ý này.

4. Promotion

Gucci và Crocs là hai thương hiệu thời trang bị làm giả nhiều nhất năm 2021

Kể từ năm 2015 khi Alessandro Michele chính thức ngồi vào chiếc ghế Giám đốc Sáng tạo của Gucci, tầm nhìn rực rỡ và đa sắc như ống kính vạn hoa của anh không chỉ hồi sinh lại phong cách thời trang của nhà mốt, mà còn tái định nghĩa lại hình ảnh của nhà mốt Ý trên truyền thông đại chúng. Michele không quá sa đà vào việc giới thiệu các đại sứ thương hiệu nổi tiếng, mà thay vào đó là tôn vinh các chiến dịch mang lại sự cộng hưởng về văn hóa.

Gần đây, đi kèm với Gucci luôn là sự tán thưởng về thành công của nhà mốt này trong hành trình chinh phục một thế hệ khách hàng mới toanh nhưng hoàn toàn khó nhằn: Gen Z. Khó đoán, thú vị, và viral là những gì truyền thông thường nói về Gucci trong kỷ nguyên của Alessandro Michele.

Nhà thiết kế có thể lấy nguồn cảm hứng từ bất cứ đâu: những loài động vật hoang dã, thế giới ngoài hành tinh, những chiếc meme,… tất cả những nội dung có phần táo bạo và gây tranh cãi đó đã hoàn toàn “hạ gục” thế hệ người dùng trẻ tuổi, những người luôn có mong muốn mạnh mẽ được trở nên khác biệt.

5. Chiến lược quảng cáo gây sốc (Shockvertising) của Gucci

Dưới sự dẫn dẫn của Tom Ford – Giám đốc sáng tạo, Gucci đã đưa “sex sells” (Quảng cáo có yếu tố tình dục mạnh) lên một tầm cao mới. Không chỉ tái tạo các dòng sản phẩm Gucci để ra mắt những trang phục quyến rũ, hiện đại mà còn làm việc với đội ngũ sáng tạo để làm nên những TVC gợi tình của Gucci.

Với chiến lược quảng cáo gây shock được áp dụng đúng lúc, đúng chỗ về chủ đề nhạy cảm, Gucci nhanh chóng thu hút sự chú ý, thảo luận của giới mộ điệu thời trang cũng như người tiêu dùng. Lý do đằng sau sự thành công của chiến thuật đưa “sex sells” vào có thể đến từ nỗi ám ảnh với những nhân vật nổi tiếng trong văn hóa nhạc pop, pha trộn chút “pop moment” – thứ dùng để gọi đến “sự trở lại của sự quyến rũ” trong thời trang. Đây được xem là một trong những chiến lược marketing độc đáo của Gucci.

6. Chiến lược Influencer marketing – hợp tác với những “Showbiz Icons”

Với sự linh hoạt của mình, Gucci nhanh chóng hợp tác cùng những ngôi sao, “Showbiz Icons” nhằm quảng bá, giới thiệu và khẳng định vị thế của thương hiệu xa xỉ này.

Những biểu tượng phong cách thời trang nổi tiếng và có tầm ảnh hưởng như Harry Styles, Kate Moss, Rihanna, Victoria Beckham… chính là những cái tên nổi tiếng đại diện cho thương hiệu Gucci trong nhiều chiến dịch quảng cáo.

Dưới thời của vị Giám đốc sáng tạo mới – Alessandro Michele thương hiệu này vẫn tiếp tục duy trì hợp tác cùng với các ngôi sao hàng đầu thế giới. Những “thần tượng giới trẻ” toàn cầu như Harry Styles, Lana Del Rey, EXO Kai, Jared Leto… đều được  Gucci “chiêu mộ” và trở thành đại sứ thương hiệu của họ.

Ngay sau khi EXO Kai xuất hiện với tư cách khách mời để chiêm ngưỡng BST Cruise 2019 của Gucci tại Pháp, lượng thảo luận về Gucci nhanh chóng đạt đỉnh và trở thành xu hướng thịnh hành trên mạng xã hội Twitter.

Tại Việt Nam, Gucci cũng tích cực tổ chức các sự kiện dành cho ngôi sao, Fashionista với sự góp mặt của nhiều tên tuổi đình đám như Quỳnh Anh Shyn, Khánh Linh Cô Em Trendy, AMEE, Châu Bùi… góp phần đưa thương hiệu Gucci đến gần hơn với giới trẻ.

IV. Tổng kết 

Với chiến lược marketing linh hoạt, Gucci đã tận dụng nhiều kênh marketing khác nhau và thu về kết quả khả quan. Khác với một số thương hiệu xa xỉ khác, Gucci luôn tạo sự gần gũi và liên tục cập nhật nhanh chóng các “trend” mới để hòa vào cùng giới trẻ trong các trào lưu mới.

Hy vọng bạn đã học hỏi được những kiến thức hữu ích từ chiến lược marketing của Gucci, từ đó giúp triển khai các chiến lược marketing hiệu quả cho doanh nghiệp của mình!

Xem thêm : 

Đánh giá bài viết

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *